Ý nghĩa và giá trị của hoạt động tư vấn pháp luật

Sự phát triển của nền kinh tế đã khiến cho nhiều vấn đề nảy sinh cần đến sự hỗ trợ của các dịch vụ pháp lý. Ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp tìm đến sự tư vấn, hỗ trợ của những người làm nghề luật để hướng dẫn và tư vấn cho hoạt động kinh doanh của họ. Điều đó giúp các công ty, doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình. Vai trò của người luật sư trong hoạt động tư vấn pháp luật ngày càng được nâng cao.

Trong tất cả các hoạt động đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động kinh doanh, dịch vụ pháp lý mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, bởi nó cung cấp dịch vụ để đưa ra các biện pháp đảm bảo tính chặt chẽ và an toàn cho các hoạt động, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hay doanh nghiệp. Người cung cấp dịch vụ tư vấn sẽ đóng vai trò phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra và khắc phục những vấn đề gặp phải nếu có.

Hoạt động tư vấn pháp luật đã góp phần tuyên truyền và nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Đồng thời cũng qua hoạt động của mình, người luật sư/ tư vấn viên pháp luật sẽ phát hiện được những kẽ hở của pháp luật, từ đó có ý kiến đóng góp để sửa đổi và bổ sung kịp thời để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Người cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật có trách nhiệm cung cấp cho người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình và trong mỗi sự việc có được những quyết định phù hợp và chính xác. Từ đó có thể thấy, hoạt động tư vấn pháp luật là một hoạt động không thể thiếu trong  mọi hoạt động xã hội của một đất nước

Vậy tư vấn pháp luật là gì?

Tư vấn pháp luật là hoạt động cung cấp cho cá nhân, tổ chức những hiểu biết pháp luật về một vấn đề nhất định, giúp họ hiểu rõ vị thế, quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong một quan hệ pháp luật cụ thể nảy sinh trong đời sống xã hội. Kết quả của hoạt động tư vấn pháp luật là lời khuyên, ý kiến pháp lý bằng miệng hoặc có thể bằng văn bản. Hiểu theo nghĩa rộng, đó là những giải pháp cụ thể, hữu ích giúp đối tượng được tư vấn bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Hoạt động tư vấn pháp luật còn góp phần giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, của tổ chức và công dân; phát hiện những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, kịp thời hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.

Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật; được cử luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đối với vụ việc mà Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật; được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.