Không ít người có bất động sản giá trị lớn phải dở khóc, dở cười khi bên mua bỏ cọc sau khi đã ký hợp đồng đặt cọc công chứng, mặc dù số tiền đặt cọc thuộc về bên bán nhưng gặp nhiều rắc rối về thủ tục sau này khi muốn bán bất động sản đó cho người khác. Vì khi các bên ký hợp đồng đặt cọc tại Tổ chức hành nghề công chứng thì trên hệ thống công chứng đã treo thông tin “thửa đất .../tờ bản đồ số… đã ký hợp đồng đặt cọc ngày….”.

Đặt cọc mua đất thực hiện thế nào, bị hủy hợp đồng có mất tiền cọc không?

Theo Điều 51 Luật công chứng 2014, việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Nhưng bên mua không phối hợp ký hủy hợp đồng cọc thì buộc bên bán phải đề nghị đến Tòa án có thẩm quyền để chấm dứt hiệu lực của giao dịch này. Theo quy định hiện hành của pháp luật tố tụng dân sự, thời gian tòa án giải quyết theo quy định là 4 – 6 tháng (cấp sơ thẩm) và trên thực tế có thể nhanh hoặc chậm hơn thời hạn nêu trên.

Để tránh gặp rủi ro như trên, chủ nhà-đất nên cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng nhận cọc tại tổ chức hành nghề công chứng, nhất là đối với bất động sản có giá trị cao, mặc dù hợp đồng công chứng có giá trị ràng buộc pháp lý cao giữa các bên nhưng nếu phát tranh chấp sẽ rất mất thời gian, công sức xử lý. Hiện nay, pháp luật không bắt buộc hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất phải công chứng, tức là hợp đồng tay vẫn có hiệu lực pháp luật, ràng buộc các bên.

Trường hợp bên mua không đến ký chấm dứt hợp đồng cọc công chứng thì bên bán nên đề nghị công chứng viên lập biên bản sự việc hoặc liên hệ thừa phát lại lập vi bằng để làm chứng cứ giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ việc tại Tòa án sau này. Đồng thời hợp đồng cọc nên ghi nhận đầy đủ thông tin nhân thân, thông tin liên hệ, địa chỉ, số điện thoại của bên mua, lưu trữ đầy đủ những nội dung đã trao đổi giữa các bên bằng tin nhắn, thư điện tử, hay qua mạng xã hội…đề phòng khi xảy ra tranh chấp.

Bạn đọc nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào vui lòng liên hệ TTTVPL Hufi qua số điện thoại 028.2212.5238. Email: tttvpl@hufi.edu.vn để được giải đáp chi tiết.