Những ngày cận Tết nguyên đán, hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí diễn ra sôi động trên các trang mạng xã hội, nhưng ít ai nhận thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật, nguy cơ bị lừa đảo là rất lớn nên người dân cần cảnh giác.
Rủi ro pháp lý: Bị phạt tiền lên đến 40 triệu đồng
Theo Khoản 5, Điều 30, Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cá nhân sẽ bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng nếu thực hiện đổi tiền không đúng quy định. nếu đổi tiền không đúng quy định thì cả hai bên tham gia đổi tiền (đổi và đi đổi) đều bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.
Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định này cũng quy định:
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
Ngoài ra, theo Điều 12 và 13, Thông tư 25/2013/TT-NHNN ngày 2-12-2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ có ngân hàng nhà nước chi nhánh, sở giao dịch ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước là có chức năng thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân.
“Với các cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tiền chỉ có ở trạng thái đủ hoặc đủ tiêu chuẩn lưu thông chứ không có khái niệm mới hay cũ. Nên việc đổi tiền dù đổi tiền cũ sang mới hay tiền không đủ chuẩn sang đủ chuẩn đều phải được thực hiện ở các cơ quan nêu trên”
Nguy cơ bị lừa đảo
Bên cạnh rủi ro pháp lý thì người tham gia đổi tiền mới cũng dễ bị “mắc bẫy” của các đối tượng lừa đảo, nhất là các giao dịch đổi tiền mới trên mạng xã hội. Do việc thỏa thuận đổi tiền diễn ra trên mạng xã hội, các đối tượng thường yêu cầu “khách hàng” chuyển khoản toàn bộ số tiền cần đổi cùng tiền hoa hồng, sau đó mới cho người giao cho khách hàng từng cọc tiền mới theo yêu cầu. Nhiều khách hàng chủ quan, chỉ coi qua thứ tự số seri in trên tiền nhưng không đếm hoặc không có thời gian kiểm đếm, dẫn tới bị hụt tiền theo thỏa thuận.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng dịch vụ đổi tiền mới để đổi tiền giả, Ngay cả những tờ tiền polyme mang mệnh giá thấp (20-100 ngàn đồng) được quảng cáo có số seri đẹp, theo năm sinh... cũng tiềm ẩn nguy cơ tiền giả.
Giao dịch dễ dàng qua mạng xã hội, người đổi không có thông tin bên cung cấp dịch vụ đổi tiền, nên dễ bị lừa và khi phát hiện bị lừa cũng không biết phải kêu ai.
Như vậy, việc đổi tiền lẻ kiếm lời vừa phạm pháp, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để giải đáp thắc mắc về các vấn đề pháp lý, bạn đọc hãy liên hệ hotline 028.2212.5238 hoặc gửi về email: tttvpl@hufi.edu.vn.
Xem thêm :