KHAI SINH CHO CON NGOÀI GIÁ THÚ

Con ngoài giá thú là con được sinh ra khi cha mẹ không đăng ký kết hôn. Con ngoài giá thú xảy ra hai trường hợp sau:

+ Người con ấy có cả cha và mẹ là người độc thân, nghĩa là cả hai chưa trong một mối quan hệ hôn nhân hợp pháp nào;

+ Cha hoặc mẹ là trong một mối quan hệ hôn nhân hợp pháp khác mà người còn lại là người độc thân.

 Đứa trẻ sinh ra không trong một cuộc hôn nhân (con ngoài giá thú) vẫn có quyền được làm giấy khai sinh để được hưởng những quyền lợi cơ bản của công dân. Tuy nhiên, trường hợp này việc khai sinh sẽ phức tạp hơn thông thường. Nhất là khi muốn đăng ký khai sinh cho con mang họ cha.

Trường hợp thứ nhất: các bên tự nguyện trong việc nhận cha cho con

Trong trường hợp này, thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con, và để con mang họ cha theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch như sau:

"3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này."

Theo đó, lúc này cha mẹ thực hiện đồng thời thủ tục khai sinh cho con và thủ tục cha nhận con.

- Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy Chứng minh nhân dân;

- Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì Giấy chứng sinh được thay thế bằng giấy xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người làm giấy khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

- Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh, bản sao giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh

- Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu tại thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã kết hợp việc nhận con và đăng ký khai sinh. 

Hồ sơ thủ tục nhận Cha cho Con bao gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu)
  • Văn bản có sự đồng ý của người mẹ
  • Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ cha – con (hiện tại đa số các nơi sẽ yêu cầu bản kết quả xét nghiệm ADN Cha Con)

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.

Trường hợp thứ hai các bên không tự nguyện trong việc nhận cha cho con, tức là có tranh chấp về việc nhận cha cho con, có thể là người cha không thừa nhận đứa con hoặc người mẹ không đồng ý về việc nhận cha cho con của mình đối với trường hợp con chưa thành niên hoặc người con không đồng ý nhận cha khi đã thành niên hoặc có người thứ ba cùng yêu cầu nhận cha cho con. Trường hợp này, người có yêu cầu nhận cha cho con phải làm đơn khởi kiện ra Tòa án cấp huyện.

Đây là một loại án hôn nhân gia đình, cụ thể là tranh chấp về xác định cha cho con do TAND có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và Tố tụng dân sự.

Trường hợp này, người yêu cầu phải cung cấp các chứng cứ chứng minh quan hệ cha – con, ví dụ như: thư từ trao đổi giữa cha mẹ có tình cảm yêu đương, thời điểm quan hệ giữa hai người, thông báo việc có thai, trao đổi về trách nhiệm nuôi con… hoặc kết quả xét nghiệm ADN.  

Trường hợp con mang họ mẹ, không nhận cha thì tiến hành khai sinh như bình thường. Theo Điều 13, 16 Luật Hộ tịch 2014

“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.”

Trên đây là quy định về khai sinh cho con ngoài giá thú Trung tâm tư vấn pháp luật Hufi xin gửi quý bạn đọc. Để nhận tư vấn hãy gọi cho chúng tôi qua hotline 028.2212.5238 hoặc email: tttvpl@hufi.edu.vn