Hiện nay, ở vùng nông thôn tại nhiều tỉnh thành nước ta, tình trạng người dân mua đất ruộng xây khuôn viên mộ sẵn cho cả dòng họ trở nên phổ biến. 

Theo quy định tại Điều 57 Luật đất đai 2013, việc chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, trường hợp sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng phần mộ phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Song song với đó, việc sử dụng đất để xây dựng phần mộ gia đình phải nằm trong quy hoạch đất làm nghĩa trang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được quy định tại Điều 3 Nghị định 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng như sau:

- Tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường.

- Việc quản lý đất nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ theo pháp luật về đất đai, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.

- Chủ đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng có trách nhiệm quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo quy định của Nghị định này và các quy định hiện hành khác có liên quan.

- Cơ quan quản lý nhà nước về nghĩa trang theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; kiến nghị hoặc xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn theo thẩm quyền."

Nếu mảnh đất mà người dân mua để xây mộ cho dòng tộc đó không nằm trong kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa hoặc không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà vẫn cố tình thực hiện thì đây sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.