Đây là thực trạng mà vô số những người làm cha, làm mẹ sau khi ly hôn gặp phải, bên gia đình chồng cũ hoặc vợ cũ không thích, vì sự ích kỷ hoặc vì lý do nào đó mà dùng mọi cách ngăn cản bên còn lại gặp con, chăm con, thăm con, thậm chí có nhiều trường hợp khẩn cầu chỉ cần nhìn con từ xa mà cũng khó. Đây là hành vi vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, trong trường hợp này người cha, người mẹ bị ngăn cản việc thăm con phải làm gì?

Khoản 3 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ, người trực tiếp nuôi con cùng các thành viên trong gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo quy định người có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, người bị ngăn cản quyền thăm có có thể tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con tới cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân để cơ quan có thẩm quyền xử phạt hoặc xin xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an về việc ngư-ời trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở quyền thăm con để yêu cầu cơ quan thi hành án việc chăm nom, chăm sóc con theo bản án, quyết định của Tòa án.

Tuy nhiên, quyền thăm nom con của cha, mẹ có thể bị hạn chế bởi Quyết định của Tòa án có thẩm quyền khi có yêu cầu của người trực tiếp nuôi dưỡng trong trường hợp cha, mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng đứa con có hành vi lạm dụng việc thăm nom gây cản trở hoặc ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Nếu bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ hotline 028.2212.5238 hoặc gửi về email: tttvpl@hufi.edu.vn.